Thứ Hai, 25 tháng 10, 2010

Phân công và hợp tác lao động

1. Tổng quan về phân công và hiệp tác lao động
Khái niệm chung:
Chúng ta đã biết trong nền kinh tế quốc dân bao gồm có 3 hình thức phân công lao động sau:
- Phân công lao động chung: Phân công lao động trong nội bộ một nền kinh tế quốc dân; tức là chia các hoạt động của nền kinh tế thành các ngành riêng biệt;
- Phân công lao động đặc thù: Phân công lao động trong nội bộ một ngành thành các ngành hẹp và đến các doanh nghiệp trong ngành;
- Phân công lao động cá biệt: Phân công lao động trong nội bộ một doanh nghiệp.

Phân công lao động là một quá trình tách riêng biệt các loại lào động khác nhau theo một tiêu thức nhất định trong điều kiện xác định của doanh nghiệp.
Thực chất là chia quá trình sản xuất kinh doanh thành các bộ phận tổ thành và giao cho mỗi cá nhân phù hợp với năng lực sở trường và đào tạo của họ. Sự phân công lao động tất yếu dẫn đến sự hiệp tác lao động trong một tổ chức, một doanh nghiệp.
Hiệp tác lao động là một quá trình mà ở đó nhiều người cùng làm việc trong một quá trình sản xuất, hay ở nhiều quá trình sản xuất khác nhau nhưng có liên hệ mật thiết, chặt chẽ với nhau để nhằm một mục đích chung.

Phân công lao động và hiệp tác lao động là hai mặt của một quá trình sử dụng sức lao động. Phân công lao động phải tính đến khả năng có thể hiệp tác được và hiệp tác lao động phải dựa trên cơ sở của sự phân công. Phân công lao động càng sâu bao nhiêu thì hiệp tác lao động càng tỷ mỷ và chặt chẽ bấy nhiêu.

Yêu cầu của phân công lao động và hiệp tác lao động
Yêu cầu chung của sự phân công và hiệp tác lao động là phải bảo đảm sử dụng hợp lý, tiết kiệm sức lao động, phát huy được tính chủ động và sáng tạo của mỗi người, tạo điều kiện duy trì và nâng cao khả năng làm việc lâu dài cũng như sự hứng thú của người lao động, đồng thời vẫn bảo đảm sử dụng có hiệu quả các nguồn vật chất kỹ thuật như: máy móc thiết bị, vật tư trong quá trình sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp. Khi phân công lao động và hiệp tác lao động cần chi tiết hoá yêu cầu chung trên thành các yêu cầu cụ thể trong từng doanh nghiệp. Các yêu cầu của Phân công lao động và hiệp tác lao động là:
- Đảm bảo sự phù hợp giữa nội dung và hình thức của phân công lao động với trình độ phát triển của kỹ thuật và công nghệ, với các yêu cầu khách quan của sản xuất.
- Đảm bảo mỗi người có đủ việc làm trên cơ sở mức lao động khoa học; công việc phải phù hợp với năng lực, sở trường và đào tạo của mỗi người; nhằm mục đích phát triển con người một cách toàn diện.
- Đảm bảo sử dụng một cách có hiệu quả nhất mọi nguồn lực trong doanh nghiệp (vốn - vật tư - kỹ thuật và lào động).
Tuy nhiên, phân công và hiệp tác lao động trong doanh nghiệp cũng cần phải chú ý đến những giới hạn của nó. Các giới hạn đó thể hiện trên các mặt: kỹ thuật - công nghệ, kinh tế, tâm - sinh lý lao dộng, xã hội, tổ chức.
Ý nghĩa của phân công lao động và hiệp tác lao động
Phân công lao động cho phép mỗi cá nhân và mỗi tập thể có điều kiện thực hiện chuyên môn hoá sản xuất, góp phần nâng cao chất lượng công tác, nâng cao năng suất lao động và hiệu quả sản xuất - kinh doanh. Nhờ có chuyên môn hoá mà doanh nghiệp giảm được chi phí đào tạo; người lao động nhanh chóng tích lũy được kinh nghiệm trong sản xuất, doanh nghiệp có điều kiện thiết kế và sử dụng các máy móc thiết bị chuyên dùng,...
Hiệp tác lao động trong doanh nghiệp nhằm phối hợp một cách tích cực và hài hoà nhất mọi cố gắng của mỗi cá nhân và tập thể trong một điều kiện tổ chức - kinh tế - kỹ thuật - xã hội xác định, nhằm sử dụng có hiệu quả mọi nguồn vật chất hiện có. Hiệu quả xã hội của sự hiệp tác là tăng khả năng làm việc của từng cá nhân do có sự tiếp xúc xã hội mà nảy sinh sự thi đua giữa những người cùng sản xuất và xuất hiện những động cơ mới, kích thích mới trong mối quan hệ giữa người với người trong lao động.
2. Các hình thức phân công lao động trong doanh nghiệp
Phân công lao động trong chức năng
Đây là hình thức chia tách các hoạt động sản xuất - kinh doanh của doanh nghiệp theo các chức năng và giao cho toàn thể những người lao động trong doanh nghiệp. Theo cách này, doanh nghiệp có các chức năng sau:
- Chức năng quản lý chung
- Chức năng thương mại
- Chức năng tài chính
- Chức năng cung ứng vật tư - kỹ thuật
- Chức năng lao động - nhân sự
- Chức năng kỹ thuật - công nghệ
- Chức năng sản xuất
Công nhân sản xuất cũng được chia thành công nhân sản xuất chính và công nhân sản xuất phụ.
Phân công lao động theo chức năng tạo nên cơ cấu lao động chung trong toàn doanh nghiệp. Tác dụng của phân công này giúp mọi cá nhân và bộ phận làm việc đúng phạm vi trách nhiệm, quyền hạn của mình, đồng thời thực hiện tốt các mối liên hệ trong sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp
Phân công lao động theo công nghệ
Đây là hình thức phân công lao động trong đó tách riêng các loại công việc khác nhau theo tính chất của quy trình công nghệ thực hiện chúng. Hình thức phân công này quan trong nhất trong doanh nghiệp bởi vì nó phụ thuộc vào kỹ thuật và công nghệ sản xuất ra sản phẩm của doanh nghiệp. Theo cách này có các hình thức phân công lao động sau đây:
+ Nghề
+ Các giai đoạn công nghệ chủ yếu
+ Các nguyên công
+ Các sản phẩm, chi tiết
Phân công lao động theo công nghệ cho phép hình thành một đội ngũ những người công nhân (thợ) chuyên môn và lành nghề đảm bảo chế tạ ra những sản phẩm chất lượng cao, thoả mãn nhu cầu ngày càng tăng của khách hàng.
Phân công lao động theo mức độ phức tạp của công việc
Đây là hình thức phân công lao động trong đó tách riêng các hoạt động, các công việc khác nhau theo tính chất phức tạp của nó. Thực chất là căn cứ vào độ phức tạp khác nhau của công việc mà bố trí người lao động có trình độ lành nghề tương ứng.
Trong các công việc hành chính và quản lý, người ta chia ra các trình độ từ sơ cấp, trung cấp, kỹ sư, kỹ sư chính và kỹ sư cao cấp.
Hình thức phân công này cho phép sử dụng một cách hợp lý nhất cán bộ, công nhân; vừa tạo điều kiện nâng cao trình độ lành nghề vừa tạo điều kiện trả công lao động hợp lý.
3. Các hình thức hiệp tác lao động trong doanh nghiệp
Về nguyên tắc, tương ứng với 3 hình thức phân công lao động cũng có 3 hình thức hiệp tác: Theo chức năng, theo công nghệ và theo mức độ phức tạp công việc. Nhưng thực tế sản xuất người ta thường nhìn nhận các hình thức hiệp tác về không gian và thời gian.
* Về mặt không gian, trong doanh nghiệp có các hình thức hiệp tác cơ bản sau:
- Hiệp tác giữa các phòng ban và các phân xưởng
- Hiệp tác giữa các bộ phận trong một phòng hay trong một phân xưởng
- Hiệp tác giữa các người lao động trong tổ (đội) sản xuất
Hai hình thức đầu đã được nghiên cứu trong tổ chức và quản lý sản xuất và đã ghi nhận rất rõ ràng và đã ghi nhận trong Điều lệ doanh nghiệp. Ở đây xét hình thức thứ 3. Thông thường có các loại tổ sau đây:
+ Theo công nghệ có hai loại tổ: tổ sản xuất chuyên môn hoá và tổ sản xuất tổng hợp.
Tổ sản xuất chuyên môn hoá gồm những công nhân cùng nghề để thực hiện những công việc có quy trình công nghệ giống nhau.
Tổ sản xuất tổng hợp gồm các công nhân ở các nghề khác nhau để thực hiện một quá trình sản xuất có các quy trình công nghệ khác nhau. Tổ tổng hợp có thể chia thành ba loại tổ:
- Tổ tổng hợp phân công hoàn toàn, gồm các công nhân mà mỗi người làm một việc khác nhau theo nghề và trình độ chuyên môn của mình.
- Tổ tổng hợp phân công không hoàn toàn
- Tổ tổng hợp không có phân công
+ Theo thời gian có 2 loại tổ: tổ theo ca và tổ thông ca (theo máy)
- Tổ theo ca là tổ mà tất cả các thành viên cùng làm việc trong ca
- Tổ thông ca là tổ mà các thành viên đi nhiều ca khác nhau, nhưng trên cùng một máy.
* Hiệp tác về mặt thời gian được xem là sự phối hợp một cách nhịp nhàng các phân xưởng, các phòng ban, các bộ phận phục vụ sản xuất cũng như các cá nhân trong từng đơn vị nhỏ để bảo đảm đúng tiến độ sản xuất, đúng kế hoạch dự kiến của doanh nghiệp. Ngoài ra, cũng cần tổ chức hợp lý các ca làm việc trong một ngày đêm, bởi vì chệ độ đảo ca hợp lý vừa đáp ứng được các yêu cầu của sản xuất vừa đảm bảo sức khoẻ cho người lao động.
Hoàn thiện hiệp tác lao động là một tất yếu khách quan phù hợp với sự phát triển của xã hội. Chúng ta thấy ở các nước phát triển:
a- Nhóm tự quản: nhóm này được phát triển vào những năm 1970 ở Nhật và sau đó ở Mỹ, Thuỵ Điển. Nhóm tự quản gồm từ 10 đến 20 người, được giao toàn quyền và chịu tách nhiệm hoàn toàn về một giai đoạn nhất định của quản trị sản xuất. Mỗi cá nhân được xem như là một nhà quản trị, do đó sẽ phát huy được hết tính tích cực, chủ động và sáng tạo của mình trong sản xuất - kinh doanh, đồng thời tính tập thể cũng được đề cao nhất. Kết quả là các chi phí về lao động và sản xuất đã giảm một cách đáng kể.
b- Nhóm chất lượng: gồm từ 5 đến 10 người được đào tạo đặc biệt để xác định và giải quyết mọi khó khăn phát sinh trong hoạt động sản xuất kinh doanh. Các kiến nghị và biện pháp sẽ được nghiên cứu và áp dụng với sự giúp đỡ tích cực của các phòng chức năng. Kết quả đã mang lại là vừa tiết kiệm chi phí vừa nâng cao chất lượng sản phẩm.
c- Thời gian làm việc linh hoạt: Thực chất là người lao động trong một số giờ nhất định bắt buộc phải có mặt tại cơ quan và phần thời gian còn lại sẽ được bố trí thích hợp với điều kiện cụ thể của mình miễn là đảm bảo 8 giờ trong ngày.

1 nhận xét:

  1. Chào thầy, em có đọc được bài viết trên blog của thầy về phân công và hiệp tác lao động rất hay và đầy đủ, em đang là sinh viên cũng đang làm đề tài nghiên cứu khoa học về phân công và hiệp tác lao động, Vì thế mà em muốn xin thầy tài liệu về mảng này được ko ạ? em xin cảm ơn thầy trước


    Trả lờiXóa